3 điều các nhà lãnh đạo cần ưu tiên, dù bận rộn tới đâu
Đừng bao giờ ngừng học hỏi, thậm chí khi bạn không có thời gian, thậm chí khi bạn đã là CEO và bạn nghĩ rằng mình đang điều hành mọi thứ rất tốt. Bạn luôn luôn có thể trở nên tốt hơn.
Nếu công việc kinh doanh quá bận rộn, hãy ưu tiên duy trì những phần việc cơ bản nhất để luôn luôn phát triển bản thân thành một doanh nhân, một nhà lãnh đạo tốt hơn:
1. Thuê một cố vấn/huấn luyện viên điều hành (Executive Coach)
Việc này sẽ tạo ra một tác động rất lớn. Các nhà cố vấn này sẽ giúp bạn nhìn thấy “điểm mù” của mình. Họ sẽ thay bạn thực hiện các nhiệm vụ “khó nhằn” là đánh giá một cách toàn diện về cách mà người khác cảm nhận về bạn, bằng cách thu thập ý kiến từ nhân viên trực tiếp của bạn, đồng nghiệp, cấp trên, các thành viên hội đồng quản trị, các cộng sự, thậm chí từ… mẹ bạn. Từ đó, họ sẽ tìm được các mẫu số chung về điểm yếu, điểm mạnh của bạn và báo cáo trở lại với một sự phân tích mang tính xây dựng.
Tự ý thức là yếu tố quan trọng để trở thành nhà lãnh đạo thành công, giúp bạn nhận ra rằng các hành vi và thói quen của mình có khả năng định hình phong cách lãnh đạo cũng như tác động đến quá trình đưa ra lựa chọn. Bạn có thể không thay đổi được cách nhìn nhận của người khác về mình, nhưng sự tự nhận thức đó giúp bạn đưa ra những quyết định nhanh hơn, tự tin hơn.
2. Đọc sách
Bạn nên luôn luôn đọc sách. Không chỉ là những cuốn sách về kinh doanh, lãnh đạo, quản trị…, mà còn có thể là tiểu thuyết. Các loại sách tiểu thuyết, đặc biệt là tiểu thuyết trinh thám, giúp bạn thúc đẩy khả năng tư duy, phân tích. Bạn có thể đặt mình vào nhân vật để theo dõi diễn biến và chờ xem chiến lược mình đặt ra sẽ có thể phát triển như thế nào.
Tiểu thuyết dạy doanh nhân cách kể chuyện tốt hơn – điều rất quan trọng đối với bất kỳ CEO nào, đồng thời giúp bạn cải thiện vốn từ vựng. Hơn nữa, chúng thêm “gia vị” để bạn không cảm thấy quá đơn điệu khi đọc toàn sách về kinh tế, kinh doanh, phân tích thị trường.
3. Yêu cầu người khác đưa ra phản hồi trung thực
Dù đã có người hướng dẫn/cố vấn, bạn vẫn cần nhận được góp ý xây dựng trực tiếp từ các đồng nghiệp. Hãy cố gắng có một “đội ngũ điều hành” với khoảng 2 – 3 thành viên mà bạn thực sự biết rõ về họ.
Họ sẽ “kéo” bạn lại khi bạn đi quá xa, họ cho bạn biết nhân viên cần gì từ bạn. Bạn có thể là chính mình khi ở với họ và cả hai bên đều biết có thể nói bất cứ điều gì với đối phương. Họ sẽ đưa ra cho bạn những lời khuyên thẳng thắn nhất.
Bích Trâm (DNSG)